Đề xuất giờ làm chậm nửa tiếng, nghỉ trưa 1 tiếng: Nhiều ý kiến phản đối
Tranh cãi về đề xuất đổi giờ làm, rút ngắn thời gian nghỉ trưa. Ảnh: TT
Sáng 31.10, tại kỳ họp Quốc hội đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị Chính phủ thay đổi giờ làm việc để đạt mục tiêu tăng năng suất lao động, giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm năng lượng, đảm bảo hạnh phúc gia đình.
Cụ thể, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đưa giải pháp thay đổi khung giờ làm việc, buổi sáng bắt đầu từ 8h30 và kết thúc vào lúc 17h đối với khối dịch vụ công, các đơn vị giáo dục công lập. Trong đó, giờ nghỉ trưa kéo dài 1 giờ.
"Nếu giờ làm việc bắt đầu vào 8h30, sẽ tránh ùn tắc giao thông và không phải bố trí làm việc lệch giờ. Mọi người trong gia đình có thời gian để đi học, đi làm cùng lúc mà không gây ùn tắc, tiết kiệm thời gian và chi phí, hiệu quả của phương tiện giao thông công cộng tăng lên", đại biểu đoàn Bình Định phân tích.
Thay đổi giờ làm có thực sự giảm ùn tắc giao thông? Ảnh: Cường Ngô.
Đề xuất của ông Nguyễn Văn Cảnh ngay sau đó nhận được những ý kiến trái chiều từ dư luận. Nhiều người cho rằng rất khó để áp dụng khung nghỉ trưa 1h đồng hồ, vì khó đảm bảo chất lượng công việc.
Chia sẻ với Báo Lao Động, đại biểu Bùi Thị An - nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho hay, đề xuất thay đổi giờ làm việc đối với khối hành chính, dịch vụ công và khối giáo dục công lập ở các đô thị của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh chưa phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Bà An nói, một số quốc gia trên thế giới bắt đầu giờ làm việc từ 9h sáng, thời gian nghỉ trưa ngắn, song họ đã quen với điều đó, bởi thể trạng của họ rất tốt. Tuy vậy, nếu áp dụng điều này ở nước ta có lẽ hơi khiên cưỡng.
Bà An dẫn chứng cách đây ít năm, TP Hà Nội cũng áp dụng việc đổi giờ học, giờ làm để giảm ùn tắc giao thông nhưng cuối cùng sự ùn tắc vẫn còn. Bà cho rằng, việc thay đổi giờ làm không phải vấn đề gốc của việc tắc đường.
"Thay đổi giờ làm của cơ quan công quyền ảnh hưởng đến người dân. Giờ nghỉ trưa phải phù hợp để tránh ảnh hưởng đến hiệu suất lao động. Tôi được biết, nhiều cơ quan không có điều kiện tổ chức ăn tại chỗ, phải đi ăn ngoài rất xa, vì vậy nghỉ trưa 1 tiếng là không hợp lý" - bà An nêu ý kiến.
Còn ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, chuyên gia về giao thông đô thị cho rằng việc đổi giờ làm sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho người dân.
Thế nên các cơ quan chức năng cần "trưng cầu ý dân" để có đánh giá phù hợp và đầy đủ nhất rồi mới thực hiện.
Cường Ngô
Post a Comment