Làm đặc khu kinh tế, đại biểu lo chỗ nào cũng có casino
Chiều 10/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ sau khi nghe Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đọc tờ trình dự Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Nếu không kiểm soát dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền đối với trưởng đặc khu
Phát biểu tại tổ, ông Lê Vĩnh Tân (đoàn Đồng Tháp), Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết có nhiều mô hình cơ cấu tổ chức Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trên thế giới. Ví dụ như Hong Kong là đặc khu hành chính, Thâm Quyến là đặc khu kinh tế. Ở Việt Nam là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, tức là ghép cả hành chính lẫn kinh tế.
Do vậy, sự đặc biệt ở đây phải khác so với các luật quy định, nên lần này dự thảo luật xây dựng trên cơ sở không được trái Hiến pháp. Ông Tân cho rằng có thể sau khi thông qua luật này phải sửa đổi một số luật hiện nay không phù hợp với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh:Thắng Quang.
Ví dụ Luật Chính quyền địa phương phải sửa Điều 75 về tổ chức chính quyền. Bởi vì chính quyền địa phương phải có HĐND và UBND, trong khi đơn vị này nó không phải làm một cấp chính quyền địa phương. Nó là một đơn vị hành chính của địa phương và không có HĐND thì phải sửa đổi điều 75 của Luật Chính quyền địa phương.
Về việc tổ chức bộ máy, ban soạn thảo đã đưa ra 2 phương án và ưu tiên lựa chọn phương án 1, tức là lựa chọn bộ máy của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mang tính đặc thù tức là không tổ chức HĐND và UBND. Theo đó, thể chế của nó là thông qua trưởng đặc khu.
"Thiết kế bộ máy, ông trưởng đặc khu có rất nhiều quyền, trong đó tới 4 cấp của Trung ương bao gồm Chính phủ và các bộ ngành, ở địa phương là HĐND và UBND. Nên xem đây nó là đơn vị hành chính như thành phố thuộc tỉnh.Vấn đề đẩy mạnh phân cấp cho ông trưởng đặc khu có quyền rất rộng, thậm chí trong một số nhiệm vụ của HĐND cũng được giao cho trưởng đặc khu này", ông Tân phát biểu.
Về tổ chức phía dưới của trưởng đặc khu không phải là cấp hành chính nữa. Các khu hành chính là cánh tay nối dài của trưởng đặc khu. Các cơ quan chuyên môn dự kiến không quá 9 cơ quan.
Vân Đồn, một trong 3 đặc khu kinh tế được lựa chọn với những điều kiện phát triển thuận lợi. Ảnh:Hoàng Hà.
Vấn đề cơ chế kiểm soát cũng được ông Tân đưa ra. Theo đó, nếu không kiểm soát chế tài giám sát dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền đối với trưởng đặc khu.
Cân nhắc ngành nghề theo sự phát triển
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết việc hình thành các đặc khu là cần thiết. Vị này nêu quan điểm cần xem lại việc giao đất tại sao là 99 năm, và đặt câu hỏi sao không đưa áp dụng mềm tùy theo địa phương với mức 50, 70 và 99 năm.
"Cần cân nhắc vì xây dựng luật chung. Ngành nghề nên định hướng chứ không nên quy định cụ thể, vì 99 năm sau sẽ có nhiều nghề không còn. Ví dụ trước có nghề máy chữ giờ đã có máy tính. Kêu gọi ghép tạng nhưng tương lai có tế bào gốc sản xuất. Chỉ khoảng 10 năm nữa thôi", vị này nói.
Ông Trí cũng lo ngại 3 hòn đảo đặc khu kinh tế mà vấn đề quốc phòng nhẹ trong khi quá nặng về kinh tế. Vị này nêu không nên có đơn vị hành chính đặc biệt trên biển, mà cần cân nhắc làm ở nơi nào an tâm hơn.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội). Ảnh:Thắng Quang.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lại băn khoăn việc 3 casino ở 3 đặc khu cạnh tranh với nhau.
"Việt Nam có 3 casino cùng đầu tư, lại hưởng những chính sách ưu đãi, cạnh tranh với nhau thì không hợp lý. Nên phát triển một casino tại một đặc khu sao cho xứng tầm khu vực, thế giới", ông nói.
Lựa chọn 3 đặc khu xuất phát từ vị trí thuận lợi hay không
Phát biểu tai cuộc thảo luận, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải thích lý do tại sao chọn 3 khu Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong.
"Trước hết xuất phát từ vị trí địa lý có thuận lợi không. Tất cả các khu phát triển được trên thế giới và ở nước ta đều liên quan đến biển. Chúng ta có 15 khu kinh tế thì cả 15 khu này đều ven biển. Đây là yếu tố hết sức quan trọng, mang yếu tố quyết định. Phải là nơi có hạ tầng giao thông tốt, có thể kết nối với trong nước và khu vực, quốc tế", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Dũng khẳng định 3 khu này đã là 3 khu kinh tế trong trong 15 khu kinh tế được lựa chọn ra. Lựa chọn này từ đề xuất của địa phương, dưới sự xem xét của trung ương, trong đó có cả tư vấn nước ngoài.
VIDEO: 6 ưu đãi thuế đặc biệt đối với đặc khu kinh tế
Ngoài doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi đặc biệt, cá nhân có thu nhập từ đặc khu kinh tế cũng được miễn thuế thu nhập trong 5 năm đầu và giảm 50% các năm tiếp theo.
Còn việc xác định ngành nghề chủ đạo, trụ cột của 3 đặc khu là vấn đề rất quan trọng nhưng không dễ. Bởi chính sách định hướng là một chuyện nhưng các nhà dầu tư có quyết định đầu tư hay không là một chuyện khác.
"Chúng ta đưa ra những định hướng như công nghệ cao, du lịch, mua sắm… đó chỉ là định hướng. Việc định hướng khuyến khích chứ không quyết định được ở đây chỉ làm cái này mà không được làm cái kia.
Bộ trưởng lấy ví dụ như công nghệ dược phẩm lại ưu tiên ở Vân Đồn, trong khi Phú Quốc và Bắc Vân Phong lại cấm.
Theo Bộ trưởng không có lý gì do gì để cấm cả, vấn đề là có khuyến khích hay không. Khuyến khích ở bên này cơ chế nó khác, nhưng ở bên kia cơ chế nó khác. Nếu công nghệ cao, ngành nghề tốt thì không có gì hạn chế cả.
Về casino, ông Dũng cho biết đó là là loại hình dịch vụ mà nhiều nước đang đua nhau mở để thu hút dòng tiền từ cờ bạc vào.
"Singapo là một ví dụ. Ông Lý Quang Diệu có nói một câu là trong cuộc đời chính trị của mình có hai sai lầm lớn nhất. Thứ nhất, là không cho Liên Hợp Quốc đặt trụ sở tại Singapore. Thứ hai là không cho mở cờ bạc. Bây giờ Singapore đã thay đổi tư duy, cho phép mở casino và nổi lên như một cực, tạo sức hút dòng tiền cờ bạc của thế giờ về, đóng góp cho ngân sách rất lớn", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thắng Quang - Hiếu Công
Source https://www.baomoi.com/lam-dac-khu-kinh-te-dai-bieu-lo-cho-nao-cung-co-casino/c/23902810.epi
Post a Comment