Header Ads

Bộ máy hành chính: Siết nhưng cứ 'nở'!

Đoàn giám sát của Quốc hội đề xuất với Chính phủ hợp nhất một số bộ có chức năng, đối tượng và phạm vi lĩnh vực quản lý gần nhau để khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo hoặc bỏ trống trong quản lý nhà nước

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 của Quốc hội (QH) vừa gửi đến các đại biểu QH tại kỳ họp thứ 4. Dự kiến hôm nay (30-10), QH sẽ thảo luận tại hội trường về bản báo cáo này.

Phình cả cấp bộ và cấp thôn

Báo cáo kết quả giám sát cho biết chỉ số cải cách hành chính năm 2016 của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố đều đạt giá trị trung bình trên 70%. Tổ chức bộ máy của Chính phủ vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Đáng chú ý, tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ còn nhiều đầu mối. Cụ thể, đến thời điểm cuối năm 2016, có đến 198 đơn vị có tư cách pháp nhân, số đơn vị hành chính trực thuộc tăng từ 418 lên 446 đơn vị, dẫn đến tăng biên chế, tăng số người giữ chức vụ lãnh đạo, tăng tầng nấc trung gian. Tỉ lệ người giữ chức danh lãnh đạo ở một số cơ quan, địa phương cũng ở mức cao, không hợp lý.

Bo may hanh chinh: Siet nhung cu 'no'! - Anh 1

Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ tiến hành sáp nhập một số đơn vị trùng lắp chức năng, nhiệm vụ

Ảnh: NGUYỄN NAM

Đặc biệt, mô hình tổ chức quản lý ở cấp xã còn nhiều hạn chế. "Thôn, tổ dân phố đang có xu hướng chuyển từ tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư trở thành một cấp quản lý ở địa phương với cơ cấu tổ chức nhiều bộ phận, không khác nhiều so với ở cấp xã" - báo cáo nêu. Từ đó, nhiều công việc của cấp xã giải quyết phải thông qua thôn, tổ dân phố. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố cũng vì thế tăng nhanh, từ 729.509 người vào tháng 8-2011 lên 837.657 người vào tháng 12-2016 (tăng thêm 108.148 người).

Đơn vị sự nghiệp công lập tăng

Cũng theo báo cáo, mặc dù biên chế công chức được quản lý chặt chẽ hơn và có xu hướng giảm (giai đoạn 2014-2016 giảm 4.000 người/năm) nhưng vẫn còn 11 địa phương sử dụng vượt quá số biên chế được giao. Còn trong 2 năm 2015 và 2016, khối các cơ quan hành chính tinh giản biên chế 2.253 người, chỉ chiếm 0,83% trong tổng số 272.952 biên chế.

Một vấn đề đáng chú ý là trong giai đoạn giám sát, số đơn vị sự nghiệp công lập tăng và chưa có xu hướng giảm. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được đẩy mạnh. Cụ thể, năm 2015, cả nước có 30.219 đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ tài chính nhưng trong số này chỉ có 1.114 đơn vị tự chủ hoàn toàn, chiếm 3,7%; 10.827 đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động (chiếm 35,8%); 18.278 đơn vị vẫn phải do ngân sách nhà nước chi trả toàn bộ, chiếm 60,5%.

Ngược lại, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là ở các địa phương lại tăng nhanh. Nếu như năm 2011 là 1.971.577 người thì đến năm 2016 lên 2.093.313 người.

Phải giảm trung gian, đầu mối

Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát của QH đề xuất tiếp tục rà soát, giảm tối đa tình trạng một việc phải qua nhiều cấp; đẩy mạnh phân quyền, phân cấp; chuyển những nhiệm vụ mà nhà nước không cần thiết phải thực hiện để giao cho xã hội đảm nhận trên cơ sở xác định rõ vai trò nhà nước - thị trường - xã hội.

"Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh ngành, lĩnh vực quản lý giữa các cơ quan để xác định hợp lý số lượng các bộ, cơ quan; nghiên cứu hợp nhất một số bộ có chức năng, đối tượng và phạm vi lĩnh vực quản lý gần nhau khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo hoặc bỏ trống trong quản lý nhà nước" - báo cáo đề xuất.

Cùng với đó là sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong bộ, cơ quan ngang bộ theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian, giảm số lượng đầu mối, giảm biên chế và cấp phó. Các quyết định thành lập đơn vị, bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chí phải bị thu hồi, hủy bỏ. Đối với cơ quan thuộc Chính phủ, nghiên cứu làm rõ chức năng, nhiệm vụ, tính chất và yêu cầu hoạt động phù hợp với đặc thù công việc để xác định mô hình tổ chức thích hợp, không áp dụng như mô hình tổ chức của các bộ.

Đề xuất thí điểm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cấp huyện, xã

Liên quan đến việc tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Đoàn giám sát của QH đề nghị thực hiện mô hình bí thư cấp ủy, đồng thời là chủ tịch HĐND các cấp; thí điểm Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện, xã ở nơi có điều kiện. Về cơ chế khoán kinh phí hành chính, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, áp dụng cơ chế khoán kinh phí hành chính, khoán biên chế, khoán số lãnh đạo cấp phó đơn vị trực thuộc, khoán tổ chức cho các địa phương tự chủ quyết định. Ngoài ra, thực hiện việc khoán kinh phí chi trả phụ cấp cho số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố gắn với xây dựng mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư.

Thế Dũng

Source https://www.baomoi.com/bo-may-hanh-chinh-siet-nhung-cu-no/c/23747324.epi

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.