Header Ads

Cảnh sát giao thông lên tiếng việc 'hóa trang' bắt lỗi không đội mũ bảo hiểm

Đại diện lãnh đạo cảnh sát giao thông thành phố Vinh khẳng định việc hóa trang để phát hiện, xử lý người không đội mũ bảo hiểm là hoàn toàn đúng quy định.

Ngày 28/10, Báo Nghệ An đăng tải bài viết ''Nghệ An: Cảnh sát giao thông 'hóa trang' bắt lỗi không đội mũ bảo hiểm''. Sau khi đăng tải, bài viết được bạn đọc khá quan tâm. Nhiều người đã lo ngại liệu việc cảnh sát giao thông mặc thường phục để xử lý vi phạm có đúng quy định hay không. Thậm chí nhiều người dân còn cho rằng có thể một số đối tượng sẽ mạo danh việc này để cưỡng đoạt tài sản.

Nhiều ý kiến được đưa ra trên mạng xã hội xung quanh việc cảnh sát giao thông hóa trang phát hiện, xử lý người không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: Phương Thảo

Trao đổi với Báo Nghệ An, Đại úy Lê Đăng Khoa - Đội phó Đội Cảnh sát Giao thông, Công an TP. Vinh khẳng định, việc đơn vị triển khai lực lượng mặc thường phục kết hợp với lực lượng công khai để tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố là hoàn toàn đúng quy định, theo đúng tinh thần Thông tư 01/2016 của Bộ Công an và kế hoạch 212 của Công an tỉnh Nghệ An.

Trả lời câu hỏi ''Người dân lo lắng sẽ có đối tượng xấu lợi dụng và không phân biệt được chính xác ai là công an giả dạng?'', Đại úy Lê Đăng Khoa cho biết thêm, lực lượng cảnh sát giao thông hóa trang khi làm nhiệm vụ này đều có lực lượng công khai phối hợp thực hiện. Khi phát hiện vi phạm sẽ phải trình thẻ ngành và đưa về chốt công an hoặc trụ sở công an để xử lý vi phạm chứ không xử phạt tại chỗ. Việc xử lý cũng do cảnh sát giao thông mặc sắc phục công khai thực hiện.

Canh sat giao thong len tieng viec 'hoa trang' bat loi khong doi mu bao hiem - Anh 1

Những trường hợp vi phạm được phối hợp lực lượng công khai để xử lý . Ảnh: Phương Thảo

''Việc lập các tổ tuần tra kiểm soát cảnh sát giao thông hóa trang kết hợp với công khai theo kế hoạch là do nhiều thanh niên trên địa bàn không đội mũ bảo hiểm, chạy xe máy lạng lách đánh võng gây mất an toàn giao thông. Họ thường bỏ chạy nếu phát hiện người mặc sắc phục. Trên thực tế, rất nhiều trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông mà chúng tôi phát hiện xử lý còn có liên quan đến ma túy, trộm cắp...", Đại úy Lê Đăng Khoa cho biết.

Điều 9 Thông tư 01/2016/TT-BCA

1. Các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang

a) Hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

b) Đấu tranh phòng, chống tội phạm; khi tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông phức tạp.

2. Thẩm quyền quyết định tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang

a) Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang đối với trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này.

3. Điều kiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang:

a) Phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được người có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều này phê duyệt. Nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện, lực lượng, phương thức liên lạc, thời gian, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để tuần tra, kiểm soát;

b) Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí một bộ phận cán bộ trong Tổ để hóa trang (mặc thường phục) thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật;

Bộ phận hóa trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một Tổ tuần tra, kiểm soát phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật;

c) Nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang để sách nhiễu, gây phiền hà, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Phương Thảo

Source https://www.baomoi.com/canh-sat-giao-thong-len-tieng-viec-hoa-trang-bat-loi-khong-doi-mu-bao-hiem/c/23757906.epi

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.