Header Ads

Tinh gọn bộ máy sẽ ra tiền, ra gạo

Tinh giản 10% biên chế, giảm được khoảng 400 nghìn người hưởng lương; cắt giảm cấp phó, bỏ tầng nấc trung gian; thu gọn cấp xã… Nếu thực hiện tốt nghị quyết 18 TƯ 6, không những nâng cao chất lượng hoạt động bộ máy mà còn ra tiền, ra gạo.

VietNamNet trò chuyện với nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Điều lệ, Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Đức Hà - người tham gia ban soạn thảo nghị quyết 18 TƯ 6 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Ông Hà nhấn mạnh: "Nói đến tổ chức là động chạm đến con người, tâm tư tình cảm, đời sống, lợi ích, thậm chí có cả lợi ích nhóm và lợi ích cục bộ nên rất phức tạp".

Tinh gon bo may se ra tien, ra gao - Anh 1

Ông Nguyễn Đức Hà. Ảnh: X.Đ

Theo ông, mặc dù đầu mối bên ngoài giảm nhưng các tổng cục bên trong lại tăng gấp đôi; các cục, vụ, phòng ban cũng tăng lên rất nhiều. Rồi lãnh đạo, cấp phó, số lượng tỷ lệ lãnh đạo lớn quá. Có sở có 44/46 lãnh đạo, có cục, vụ toàn lãnh đạo.

"Thế nên mới có tranh biếm họa người dân cầm cặp hồ sơ đi vào làm việc ngơ ngác vì toàn thứ trưởng, tổng cục trưởng, cục trưởng, cục phó, trưởng phòng, phó phòng. Toàn lãnh đạo chứ không tìm ra chuyên viên nào", ông Hà kể.

Giảm được hàng nghìn tỷ đồng tiền phụ cấp

Trong phiên QH thảo luận tại tổ về dự án sân bay Long Thành, Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính nói đến việc giảm chi thường xuyên khoảng 1% sẽ tiết kiệm được 10.000 tỷ. Ông có thể nói cụ thể về vấn đề chi tiêu thường xuyên mà ngân sách phải gánh hiện nay? Muốn giảm thì phải làm thế nào?

Bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc khiến những người hưởng lương và hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước quá lớn, tạo áp lực vô cùng lớn lên ngân sách.

Cả ngân sách nhà nước mà riêng chi thường xuyên lên tới 65%, tăng 2,2 lần so với 5 năm trước đó, trong đó lương chi cho con người chiếm 52,8%.

Có nhiều cách giảm chi thường xuyên. Ví dụ, nếu nhập được 100 xã thì bớt được bao nhiêu biên chế, bao nhiêu chi thường xuyên, nhập được mấy huyện nữa thì ra được số tiền khá lớn.

Thứ hai, giảm được số lượng lãnh đạo cấp phó sẽ giảm được xe, trụ sở, phụ cấp và rất nhiều thứ khác.

Thứ ba, mấy nhiệm kỳ gần đây, xu hướng số lượng cấp ủy tăng lên, TƯ cũng thế, lúc đánh Mỹ có mấy chục mà giờ 200 người; huyện, tỉnh, xã cũng vậy.

Nếu cấp ủy ở xã giảm đi được mấy người, ví dụ giờ tối đa 15 người sau này chỉ cho 11 người, cấp huyện tối đa 39-41 thì tới đây chỉ cho 29-31 người, cấp tỉnh trung bình 55, giờ cho 45 người thôi. Đó là chưa tính TƯ, cũng đã giảm đáng kể.

Cộng với ĐB HĐND xã, huyện, tỉnh cũng giảm được tỷ lệ thích hợp thì riêng tiền phụ cấp cho các ủy viên, đại biểu HĐND xã, huyện, tỉnh thì 1 năm phụ cấp cho các chức danh này đã gần 1.000 tỷ đồng. Đó chỉ là tiền phụ cấp, còn tài liệu, họp hành, liên hoan...

Thực tế đang tồn tại tình trạng, các luật chuyên ngành rất hay "đẻ" thêm bộ máy. Cụ thể mới đây nhất khi QH thảo luận về dự thảo luật Thủy sản (sửa đổi), chính Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính bấm nút tranh luận, đề nghị không "đẻ" thêm bộ máy trong dự luật này. Làm sao để xóa bỏ tư duy cục bộ đang tồn tại ở không ít nơi như vậy?

Nghị quyết lần này có quy định những luật nào liên quan tổ chức bộ máy thì mới được bàn đến tổ chức bộ máy.

Luật chuyên ngành mà cứ quy định bao nhiêu vụ, bao nhiêu phòng, mỗi đơn vị biên chế là bao nhiêu, sẽ phá nhau ngay. Tới đây phải rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật đó, nếu không sẽ vướng.

Để khắc phục tư duy cục bộ của các bộ ngành, nghị quyết lần này cũng quy định rõ, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế; trường hợp đặc biệt cần tăng thêm đầu mối từ cấp vụ, cục hoặc tương đương trở lên phải có ý kiến của Bộ Chính trị.

Không phải đập tất cả cái cũ đi

Tinh giản biên chế, tinh giản bộ máy chính là cắt ghế, động chạm đến lợi ích, là chuyện khá nhạy cảm. Vậy việc triển khai thực hiện như thế nào để vừa đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra mà không làm xáo trộn bộ máy, không gây tâm tư cho những người bị tác động?

Việc kiện toàn tổ chức phải bảo đảm tính tổng thể, liên thông, đồng bộ, không cắt khúc, cục bộ. Khi thực hiện phải kết hợp chặt chẽ giữa kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển, chứ không phải tổ chức là đập tất cả cái cũ đi.

Chúng ta không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội, phải thận trọng, có lộ trình, có bước đi vững chắc, không để thế lực thù địch chống phá.

Khi làm phải chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự đồng thuận cao vì nó động chạm đến tổ chức, cá nhân, con người, mà con người đâu phải sắt đá, ai cũng có vợ con, gia đình, công việc.

Ví dụ kết thúc hoạt động của 3 ban chỉ đạo với 180 người, người nào diện lãnh đạo thuộc TƯ quản lý thì TƯ phải tính toán xem đưa về đâu. Còn từ cấp vụ trở xuống thì phải bàn bạc để có cơ chế chính sách, tổ chức con người, không làm ào ào được.

Ông có thể nói rõ hơn về những kết quả sẽ đạt được khi nghị quyết được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả?

Nếu thực hiện tốt, nghiêm túc nghị quyết 18 sẽ ra tiền, ra gạo. Chất lượng hoạt động của bộ máy đặt lên hàng đầu nhưng trong lúc khó khăn thế này không thể không tính đến đồng tiền bát gạo được.

Hiện có 4 triệu người hưởng lương ngân sách, nghị quyết đặt ra mục tiêu năm 2021 giảm 10%, tức là giảm được khoảng 400 nghìn người.

Khi bộ máy được tinh gọn sẽ khắc phục được tình trạng chồng chéo, xác định được rõ việc, rõ người, tức là rõ chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan và của từng tổ chức bên trong cơ quan đó, không còn chuyện đùn đẩy trách nhiệm.

Nghị quyết này cũng thu gọn được rất nhiều đầu mối, đặc biệt là đầu mối bên trong thì giảm được biên chế, giảm phụ cấp, giảm chi thường xuyên; giảm được cấp phó cũng giảm được nhiều thứ. Giảm được cấp thứ trưởng, tổng cục, cục… thì giảm được nhiều lắm.

Cùng với việc sắp xếp lại các tổ chức đơn vị hành chính quá nhỏ bé, manh mún, chia cắt, cứ giảm 1 xã đã giảm được bao nhiêu người và phụ cấp đi theo. Nhiệm kỳ tới mà giảm được cấp ủy viên, mỗi nơi 1 tí nữa thì số lượng sơ sơ cũng được nghìn tỷ/năm.

Thu Hằng

Source https://www.baomoi.com/tinh-gon-bo-may-se-ra-tien-ra-gao/c/23747314.epi

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.