Header Ads

Vụ khăn lụa Khaisilk có nguồn gốc Trung Quốc: Doanh nghiệp đang loanh quanh chạy tội

Sáng nay 30.10, rất nhiều người, từ khách hàng đến chuyên gia kinh tế, khi được hỏi đều tỏ ra khá bất ngờ trước thông tin Khaisilk khai với quản lý thị trường rằng nhân viên tự ý nhập khẩu khăn lụa Trung Quốc về bán.

Vu khan lua Khaisilk co nguon goc Trung Quoc: Doanh nghiep dang loanh quanh chay toi - Anh 1

Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai

Theo báo cáo của Quản lý thị trường Hà Nội, cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai (Hà Nội) do bà Nguyễn Thị Thu Nga là chủ hộ kinh doanh, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể do UBND quận Hoàn Kiếm cấp. Tại thời điểm kiểm tra, bà Nguyễn Thị Thu Nga khẳng định cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng lụa tơ tằm do Việt Nam sản xuất. Tuy nhiên, do sơ suất trong quản lý, trước nhu cầu hàng hóa tăng đột biến vào dịp 20.10, nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc Made in China, sau đó khâu nhãn Khaisilk Made in Vietnam để bán cho khách hàng.

Làm sai rồi đổ lỗi cho nhân viên?

Phản bác lại thông tin này, luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM cho rằng rõ ràng doanh nghiệp này đang loanh quanh đổ thừa để hòng thoát tội lừa đảo người tiêu dùng. Nhưng ngay cả khi nhân viên làm thì xét trên góc độ pháp lý, chủ doanh nghiệp cũng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước cơ quan quản lý và khách hàng.

"Đặc biệt, đây không phải là chuyện mới xảy ra trong 1-2 ngày hay chỉ là một lô hàng cụ thể khi bị khách hàng tố cáo. Chính ông chủ thương hiệu Khaisilk đã thừa nhận có bán đến 50% khăn lụa Trung Quốc trong hệ thống cửa hàng của mình thì cũng không phải là chuyện sơ suất. Đây là một chủ trương kinh doanh đã kéo dài trong suốt gần 30 năm qua. Vì vậy không ai có thể tin cái lý do đổ thừa nhân viên làm bậy", luật gia Phan Thị Việt Thu nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM cũng thẳng thắn bày tỏ ông không quá bất ngờ với lời biện hộ này vì đã quá quen với việc doanh nghiệp làm sai rồi đổ lỗi cho nhân viên. Chính ông chủ Hoàng Khải đã đứng ra xác nhận việc 30 năm qua nhập hàng Trung Quốc về bán, đây là một dấu mốc quan trọng mà từ đó có thể khẳng định lời giải thích của bà Nguyễn Thị Thu Nga ở cửa hàng 113 Hàng Gai (Hà Nội) là biện hộ, đổ lỗi cho nhân viên nhằm trốn tội.

Ông Hậu đánh giá hành động trên là vô cùng thiếu khôn ngoan và thiếu tôn trọng người tiêu dùng. Trong khi nước ngoài, đạo đức kinh doanh, sự hài lòng của khách hàng được đặt lên hàng đầu đối với môt doanh nhân thì ở Việt Nam đang quá coi nhẹ yếu tố này. Khaisilk đã lừa dối khách hàng bao nhiêu năm qua, nay khi bị phát hiện, thay vì công khai tổ chức họp báo xin lỗi người tiêu dùng, rồi im lặng khắc phục hậu quả thì lại tiếp tục trí trá biện minh, chỉ càng làm xấu đi hình ảnh thương hiệu trong mắt người tiêu dùng, khiến họ thêm chán ghét, ngoảnh mặt.

"Đây là bài học kinh nghiệm đau xót không chỉ cho Khaisilk mà cho tất cả hàng Việt, doanh nghiệp Việt. Một người làm ăn chân chính phải đặt tâm - đức kinh doanh lên hàng đầu", ông Hậu nhấn mạnh.

Vu khan lua Khaisilk co nguon goc Trung Quoc: Doanh nghiep dang loanh quanh chay toi - Anh 2

Khăn lụa Khaisilk bị khách hàng tố cáo bị cắt mác Trung Quốc gắn mác Việt Nam

Doanh nghiệp chỉ ngụy biện

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng nhận xét, lý do phía doanh nghiệp đưa ra với cơ quan quản lý thị trường chỉ là ngụy biện. Bởi xét theo toàn bộ quá trình diễn biến sự việc vừa xảy ra, kể từ khi bị khách hàng tố cáo là hàng Trung Quốc đến những gì ông Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk đã thừa nhận với báo chí, thì lý do nhân viên tự ý mua sản phẩm trôi nổi về trà trộn bán cho khách là không thể có. Hơn nữa, là một cửa hàng tư nhân thì để nhân viên tự ý thực hiện cắt bỏ nhãn mác, rồi lại may vào nhãn của Khaisilk cũng không dễ qua mắt được quản lý, ngoại trừ có sự thông đồng từ trên xuống dưới cả cửa hàng.

"Nếu để chứng minh thật sự là do nhân viên tự ý làm, phía Khaisilk phải công khai được các bằng chứng như hóa đơn, chứng từ mua hàng để chứng tỏ nguồn gốc xuất xứ thật sự của khăn lụa không phải là "Made in China". Thế nhưng nếu chứng minh được thì điều ông Hoàng Khải thừa nhận với báo chí có bán 50% hàng Trung Quốc trong tuần qua lại là sai? Lý do đưa ra trước sau đã hoàn toàn mâu thuẫn với nhau. Điều này không thể thuyết phục được người nghe", chuyên gia Đinh Thế Hiển nói.

Bên cạnh đó, ông Hiển cũng cho rằng về phía cơ quan quản lý thị trường, cần tiếp tục kiểm tra tất cả hoạt động xuất nhập hàng, hóa đơn chứng từ của Khaisilk trong nhiều năm qua bởi không chỉ riêng lô hàng 60 khăn lụa "Made in China" bị khách hàng tố cáo. Vì hoạt động gian lận đã diễn ra trong thời gian rất dài cho thấy đây là hoạt động gian lận xuất xứ hàng hóa có chủ đích.

Mai Phương - Hà Mai

Source https://www.baomoi.com/vu-khan-lua-khaisilk-co-nguon-goc-trung-quoc-doanh-nghiep-dang-loanh-quanh-chay-toi/c/23752854.epi

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.